Hôm trước trên Weibo xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một cậu con trai cãi nhau với mẹ trên ô tô. Người mẹ dừng ô tô ngay giữa đường cao tốc. Hai mẹ con tranh cãi, sau đó, cậu con trai mở cửa ô tô chạy một mạch băng qua đường và nhảy thẳng xuống cầu. Người mẹ đuổi theo ngay phía sau nhưng không kịp. Bà ngồi sụp dưới đất, ôm mặt, khóc trong tuyệt vọng. Ngay khi video này xuất hiện, nó đã nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội và nhận được rất nhiều bình luận, có bình luận thương cảm cho cậu con trai, trách người mẹ không biết cảm thông, cũng có bình luận bênh vực người mẹ, trách cậu con trai nông nổi,...
Nhưng tôi nhớ nhất là một bình luận như thế này: “Không phải vì chúng ta nhìn thấy một sinh mạng xa lạ mất đi, mà là vì nhìn thấy chính chúng ta năm ấy đã suýt đi đến bước đường này”. Bình luận này nhận được hơn 5000 lượt thích cùng rất nhiều phản hồi bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ quá khứ từng bị lời nói của cha mẹ làm tổn thương sâu sắc, có ý muốn tự tử,...
Tôi cũng đồng cảm với bình luận này vì tôi cũng nhìn thấy chính mình trong đó. Tuổi trẻ rất cô đơn, không phải ai cũng may mắn có được sự thấu hiểu của cha mẹ. Cha mẹ luôn nghĩ rằng cha mẹ cũng từng là trẻ con, cha mẹ hiểu rõ con mình nhất nhưng cha mẹ quên mất rằng cha mẹ đã trưởng thành. Những thứ mà cha mẹ thấy bé tẻo bé teo với những đứa con lại là cả một bầu trời nặng gánh. “Trẻ con thì chỉ nghĩ được thế thôi, trẻ con biết gì mà nói, trứng mà đòi khôn hơn vịt, có giỏi thì mày bước ra khỏi nhà sống cho tao xem nào,...” đó là những câu mà cha mẹ hay nói, mà nào có biết nó gây tổn thương đến nhường nào.
Nhưng đồng cảm không có nghĩa là chúng ta ủng hộ hành động giống như cậu ấy. Có câu nói thế này: “Người đủ dũng cảm để tự sát lại là người hèn nhát nhất vì không đủ dũng khí để đối mặt với cuộc sống của mình”. Nếu như bạn lựa chọn biến mất, mọi thứ đều kết thúc, không có sau đó. Nhưng nếu bạn đủ kiên cường để trụ lại, một ngày nào đó nhìn lại bạn sẽ thấy vấn đề ngày đó bạn tưởng như không thể giải quyết đã được giải quyết rồi. Và thật may mắn, vì bạn vẫn còn cơ hội để nhìn lại chính mình khi xưa.
Tôi viết điều này không vì bàn luận cậu bé đúng hay sai, cũng không muốn trách móc người mẹ, vì tin rằng cậu bé ra đi chính là đã để lại nỗi ân hận suốt đời cho người mẹ rồi. Tôi chỉ muốn qua câu chuyện này viết vài lời cho những người trẻ, những người giống như tôi, những người từng chịu tổn thương và thấy được chính mình trong hình ảnh của cậu bé. Cậu bé đã chết, mọi thứ đều kết thúc. Chúng ta còn sống, mọi thứ còn tiếp diễn. Còn sống là còn hi vọng, còn tương lai, còn nhiều điều để mong đợi,... Xin các bạn dù như thế nào, chọn điều gì cũng xin đừng lựa chọn cái chết, đừng lựa chọn thương tổn bản thân mình. Bạn đau, người yêu thương bạn cũng rất đau.
Cuối cùng cũng muốn nói với những bậc làm cha, làm mẹ: Xin hãy lắng nghe những đứa con của mình. Bạn sẽ không hiểu được những đứa con nếu bạn không thể lắng nghe chúng với sự tôn trọng và tin tưởng. Xin đừng bức ép những đứa con vào ngõ cụt.
Khoảng cách giữa các thế hệ là rất lớn, nếu không thể bước đến gần để thấu hiểu nhau thì tại sao mỗi người không nhường nhịn một chút, lùi lại một bước để tránh làm tổn thương nhau?
Tác giả: Huyền Nguyễn (NHB Blue Team)
0 Nhận xét