Vài cơn gió khẽ vỗ vào tán cây lao xao giữa đêm đen mời gọi tôi tỉnh giấc. Đây là lần đầu tiên tôi tỉnh giấc giữa đêm sau khi được tiêm thuốc vào buổi chiều cùng ngày. Hay cơ thể tôi đã kháng thuốc? Cửa sổ mở toang, gió luồn vào qua khung cửa nhạt màu, sương đêm thấp thoáng rơi rớt vào phòng qua ô cửa. Đêm nay trời trở gió, nhưng tôi chẳng thấy lạnh một tẹo nào, hay tôi mất cảm giác rồi?
Một gã lang băm bịp bợm nào đó đã nói với bố tôi về một căn bệnh thật lạ, như một loài rắn rết gặm nhắm tôi từng ngày, và tồi tệ nhất khi tôi phải chết đi như một kẻ đói khát màng đầy bệnh tật. Chẳng có thuốc chữa đâu, tôi chỉ có thể cầm cự từng ngày qua ngày một cách yếu ớt bằng vài ống thuốc đắt đỏ cướp mất sức lực của bố và cả tuổi trẻ của tôi.
Tôi ngủ nhiều từ ngày dùng thuốc.
Tôi khẽ cựa mình, cả cơ thể nặng trịch chẳng chịu nghe lời, đã qua năm phút, tôi nhấc được cánh tay phải, những cái va chạm vào không khí cũng khiến tôi mệt mõi lã người. Nhiều hình ảnh tồi tệ mà tôi từng mường tượng ra chạy xộc qua đầu, khẽ nhói lên, khiến tôi như liệm đi. Trái tim nhỏ bé đập liên hồi trong lòng ngực, nói rằng: tôi đang sợ hãi.
- Này, cậu có sao không?
Ai đó gọi tôi, lay người tôi, và tất nhiên đó không phải là bố. Giọng của một người con gái, tôi tò mò nhưng tôi đủ mệt để quên đi sự hiếu kì và kết liễu được cả sự mơ mộng.
Lần thứ hai tỉnh lại đã là chiều tàn, ánh mắt mơ màng nơi trần nhà cho tôi vài gợi ý, nơi này vốn là phòng bệnh của tôi. Một cô gái ngồi tựa lưng trên giường bệnh cạnh bên, chăm chú vào quyển sách với tựa đề…, tôi nhìn thấy nó, rõ ràng, nhưng tôi không hiểu những kí tự ngoằn nghoèo đó là gì, tôi phải nheo mắt, cố để nhớ lại, lật tung cả bộ não mình lên nhưng tôi vẫn không hiểu được những kí tự đó là gì. Tôi đâu phải là một đứa thất học.
Sự khác lạ và vẻ bần thần trên khuôn mặt tôi có lẽ làm cô ấy chú ý, cô ấy đặt quyển sách xuống, tỉ mẫn kiểm tra như một bác sĩ thực thụ. Tôi nhắm lại đôi mắt lòa nhòa của mình, chìm vào giấc ngủ.
Đêm đó, tôi mơ về cô gái lạ trong phòng bệnh của mình. Tôi nhung nhớ về người tôi yêu, đã rời xa tôi. Tôi ghét số phận đã gán ghép cho tôi một số phận tệ hại.
Sáng sớm ngày sau, tôi tỉnh giấc một cách bình thường, tất cả đều giống như mọi ngày, cho đến khi tôi biết mình đã nằm đấy suốt hai giờ liền, và chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi cứ đờ người đi và bộ não chậm chạp từng li, từng tí. Và khi đó tôi chẳng mảy may tức giận dù tôi vốn không phải là một người điềm tĩnh gì.
Bố đẩy cửa vào, mang cho tôi phần ăn sáng, dù đã gần trưa. Sự khác biệt hôm nay là bố phải đỡ tôi ngồi dậy, vẻ mệt mõi cùng tiều tụy in rõ trên khuôn mặt ông, chắc bác sĩ đã nói gì đó, tôi có gặng hỏi nhưng ông không trả lời.
Cánh tay run run, nặng nề cầm từng thìa cháo một. Bố nhìn tôi một cách chăm chú như cách mà tôi tập trung múc từng thìa cháo, như nếu chỉ một chú lơ đãng cả bố và tôi đều phải ân hận. Sau nhiều lần đầu tiên trong ngày hôm nay thì đây cũng là lần đầu tiên tôi bỏ dở bát cháo, không phải vì cái vị nhạt nhẽo như mọi ngày mà ngay cả việc ăn uống cũng khiến tôi kiệt sức. Có lẽ đến lúc phải nằm yêu một chỗ mới khiến tôi thôi mệt mõi.
Sau những giây phút im lặng khác thường của tôi và việc không rời đi vội vã của bố. Tôi nghĩ mọi thứ đã khác. Tôi không tự dậy nổi là một biểu hiện. Khi tôi cố xát nhận với chính mình, ông cố khuyên tôi chỉ nên ở trên giường. Nhưng sự cương quyết của tôi đã thuyết phục được ông, bố đỡ tôi đứng đậy, khẽ dìu tôi bước vài bước, cho đến khi ông tin rằng tôi đã đứng vững trên sàn mới buông tay.
Chỉ trong một khoảnh khắc ấy thôi. Tôi lần đầu nhìn thấy ông sợ hãi,cũng thấy cái gì lóng lánh cô động trên khóe mắt ông. Tôi lần đầu nhìn thấy một ai khác, một cô gái, mở ra cánh cửa luôn đóng kín, nhìn tôi, vội che đi miệng mình để không bật thành tiếng, vẻ thảng thốt hiện rõ trên khuôn mặt cô ấy. Tôi biết là mình đã ngã, nhưng chẳng thấy đau.
Cô gái kia vừa mới nhập viện vài hôm trước, và cùng phòng bệnh với tôi, cho đến khi tôi trở nặng hơn, chính là lúc này. Tôi không nhớ gì nhiều, vì tôi cứ ngủ suốt từ khi nhập viện. Và giờ thì tôi chẳng còn bước đi nổi, cô ấy hiện đang đưa tôi đi loanh quanh trên chiếc xe lăn, mà khi còn trẻ, tôi tin rằng mình sẽ chẳng cần đến nó. Mọi người trông thấy có vui vẻ chào hỏi, khuôn mặt ánh lên nét rạng rỡ của hy vọng, tôi cảm thấy như mình bị thương hại, nhưng tôi chẳng còn biết giận là gì. Ừ, chỉ là tôi sẽ chết thôi.
Cô ấy kể về nhiều thứ, về ước mơ trở thành một bác sĩ, ao ước về một gia đình hạnh phúc, và một chuyến vòng quanh thế giới khi đã về già,… cô ấy mói với tất cả niềm kiêu hãnh và sự tự hào. Rồi giọng cô ấy yểu xìu đi khi nói về căn bệnh của chính mình. Cô ấy mắc phải căn bệnh ung thư máu, dù đã hóa trị nhiều lần nhưng mọi việc đều đang tệ đi từng ngày. Và cần có tủy phù hợp để làm phẩu thuật, đó là hy vọng duy nhất cho đến lúc này. Dẫu sao cũng đã may mắn hơn tôi rất nhiều, bởi vì tôi còn chẳng biết cái gì có thể cứu mình lúc này.
- Nếu cậu có thể cứu ai đó lúc này, cậu có là điều đó không?
Tôi ư? tôi chỉ cười. Tôi còn không thể giúp mình thì có thể cứu được ai? Và, thật điên khùng khi phải nói ra điều này, nhưng tôi ghét một cái chết không vẹn toàn.
Tôi muốn được yên tĩnh một mình, nên cô ấy có cho tôi một chút không gian riêng tư trước khi đến giờ tiêm thuốc và xét nghiệm như mọi ngày, tôi tự hỏi khi chẳng thể giúp được nữa, họ vẫn cố gắng dày vò tôi để làm gì? Tôi có tự mình đi xung quanh vài chỗ, dĩ nhiên là bằng xe lăn rồi, tôi của hiện tại yếu lắm, tôi chẳng còn kiêu ngạo, về mọi thứ, như khi vừa mới trưởng thành. Tôi nghe thấy tiếng bố, trong một góc khuất của khóm hoa, giọng khẽ khàn xen lẫn hoài nghi lo lắng, và nó chính thức trở nên hốt hoảng khi ông nhìn thấy tôi, điều đó làm ông run sợ, như thể tôi đã nhìn thấu việc sai trái ông làm, đến mức đánh rơi tất cả những gì trên tay, những mảnh giấy rơi lả chả trong gió , chiếm một vùng dưới mũi chân của tôi. Giọng ai đó nài nỉ, van xin đến tha thiết qua điện thoại bị ông tắt vội đi.
Tôi nhặt lên những tờ giấy vốn là bệnh án của mình, có lẽ tôi hiểu một chút điều ông đang che dấu, ai lại muốn đứa con nhỏ bé của mình biết rằng nó sẽ chết dù đó vốn là sự thật, tôi có giúp ông kiểm tra một chút, ông không cố giành lấy chúng từ tay tôi, như thể ông chẳng còn muốn che dấu nữa. Xen lẫn trong mớ hỗn loạn kia, có một mảnh giấy ương ngạnh cứ rơi rồi lại rớt khỏi bàn tay run run. Tôi mĩm cười nhìn ông như vừa đạt được một thành tựu, tờ giấy mỏng manh kia sao có thể làm khó tôi chứ, nhưng ánh mắt ông lại lơ đãng khắp nơi và tuyệt nhiên không dám dừng lại trên người tôi. Ông ấy thật sự không giỏi che dấu, và ông chưa một lần nói dối tôi, kể cả về mẹ, ông là một người thật thà đến tàn nhẫn như vậy đấy.
Tôi chỉ mĩm cười. Tôi tự hỏi, tại sao tôi luôn phải là người đi tìm ra sự thật, ngay cả khi tôi chẳng còn đủ sức?
Tôi trở về phòng của mình, một căn phòng của riêng tôi. Đóng chặt cửa trong nhiều ngày, ông không khuyên ngăn tôi dù chỉ một lời. Ai đó gõ cửa nhưng lại không bước vào, bố dịu tôi đến cạnh cửa, để tôi có thể nhìn vào nổi đau trong tôi và sự tuyệt vọng của ai đó, tôi không ghét ông, tôi hứa đấy, tôi ngồi tựa lưng vào bức tường cạnh bên, ông mở cửa rời đi. Đây là khu vực chăm sóc đặc biệt đấy, và không khí thì lặng như tờ, nó khẽ chạm vào từng trái tim, từng nổi đau của từng người.
- Tôi xin lỗi, tôi không biết, vì vốn dĩ chẳng ai nói tôi biết.
Từng lời rời rạc, vang vọng khắp căn phòng, điều đó còn làm tôi khó thở hơn giữa bầu không khí nặng nề, lặng căm này. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng nấc, nghẹn ngào, thật chẳng dễ chịu một chút nào. Có lẽ tôi đã nói sai một lời nào, thật chẳng phải biết làm sao. À, là tôi đã quên đi cách quan tâm một ai đó, một ai khác, ngoài bản thân tôi.
Nếu giờ khắc này tôi có thể cho đi, cô ấy liệu có còn can đảm để nhận lấy? Nhưng nếu ngay từ đầu cô ấy hay ai khác có nói ra sự thật với tôi, liệu tôi có chấp nhận hy sinh? Thôi không nghĩ nữa, vì thế giới vốn dĩ chẳng vẹn toàn.
Tác giả: Lang Lang Trần (Thành viên NHB-Blue Team)
0 Nhận xét