Bức Thư Và Lời Xin Lỗi



Đây là năm học thứ năm kể từ lúc tôi bước vào nghề giáo viên. Năm năm dạy học, tôi mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trồng người. Đã có nhiều chuyến đò tri thức  sang sông và để lại trong tôi nhiều kỉ niệm của đời nhà giáo. Có những kỉ niệm vui, buồn, rồi áy náy, day dứt tôi đều đã trải qua. Có một chuyện mà tôi mãi không quên, đến tận bây giờ nó vẫn hằn sâu trong tâm trí tôi và tôi coi đó là bài học cho riêng mình.
Câu chuyện xảy ra với cô bé Diệu Thúy, học lớp 4B do tôi chủ nhiệm. Năm đó là năm học 2015 – 2016 khi trường tôi vinh dự là một trong ba trường của Thành phố được chọn làm thí điểm của mô hình trường tiểu học mới VNEN. Tôi nhập cuộc với bao khí thế, niềm tin và hi vọng về sự thành công của mô hình mới với học sinh trên miền quê nghèo mà tôi đang gắn bó. Tôi bắt tay vào trang trí lớp. Góc hỗ trợ học tập mà tâm huyết nhất là  “Hòm thư bè bạn”. Cắt cắt, dán dán những phong thư đủ hình thù, màu sắc bao ngày đêm cuối cùng tôi cũng hoàn thành. Tôi háo hức hướng dẫn các con cách sử dụng hòm thư. Ngày hôm đó, tôi nhớ như in lời căn dặn của mình với học sinh:

- Các con ạ! Hòm thư cá nhân là chỉ cá nhân bạn đó được mở. Không ai được phép mở hòm thư của các con dù bất cứ lý do gì. Kể cả cô, cô cũng không có quyền làm vậy. Nếu ai đó cố tình mở thư của người khác ra xem chứng tỏ là người mất lịch sự và không tôn trọng quyền riêng tư của người khác.
Mọi chuyện có vẻ thuận lợi trong tuần đầu tiên. Tôi vui lắm, vì nghĩ rằng hòm thư đã phát huy hiệu quả. Thời gian trôi đi, tôi cũng lơ đãng việc này. Một ngày, có học sinh lên thưa với tôi:

- Con thưa cô! Bạn Bình viết thư chửi bạn Cường ạ!

Rồi dưới lớp nhao nhao lên:
- Con thưa cô! Con không biết ai viết thư cho con mà gán ghép con yêu bạn Dũng ạ!

- Con thưa cô! Bạn Hùng viết thư đe dọa bạn Minh nếu mách cô thì bạn Minh sẽ bị các anh cấp hai đánh ạ!

Tôi tá hỏa, ra hiệu cho các con trật tự và lại giảng giải cho các con một loạt những bài học đạo đức. Tôi bèn nghĩ ra một cách đó là kiểm soát thư của các con. Nếu thư của bạn nào có vấn đề tôi sẽ gặp riêng trao đổi người viết cho bạn đó. Thế là mỗi ngày, tôi về muộn hơn năm phút để kiểm tra từng hòm thư của học sinh. Quả thật tôi thấy hiệu quả hơn, những lá thư có nội dung không lành mạnh ít dần. Tôi hài lòng với cách làm này của mình.

Cuối buổi chiều nọ, tôi lại làm công việc thường ngày ấy, tôi sững người khi đọc lá thư của Diệu Thúy gửi cho Phương Anh: “ Phương Anh  à! Chiều mai tớ và cậu xin cô nghỉ để đến nhà em Nhi đi. Mình sẽ nói là bị đau bụng. Chắc cô không biết đâu. Ký tên: Diệu Thúy”. Mặt tôi nóng bừng tức giận. Diệu Thúy và Phương Anh là hai học sinh học khá, gương mẫu của lớp, luôn được tôi tin tưởng giao cho nhiều việc. Sao các em có thể nghĩ ra việc nói dối tôi như thế. Đang gấp thư để lại chỗ cũ, chợt hai đứa bước vào lớp trong sự ngỡ ngàng của cả ba người.Tôi không kìm được cơn giận, giơ bức thư ngay ra trước mặt hai đứa, giọng đanh lại:

- Những điều trong bức thư này là sao hả Thúy?

Nó bối rối:
- Dạ! Thưa cô! Con…con….

Tôi ngắt lời:
- Hai bạn định nói dối cô trốn học để đi chơi phải không?

Phương Anh ấp úng:
- Dạ! Chúng con không đi chơi đâu ạ!

- Không đi chơi thì cái gì đây? Tôi đập mạnh bức thư của Thúy xuống bàn.

Tôi tiếp tục mắng:
- Cô không thể ngờ được hai bạn có thể nói dối cô để đi chơi như vậy. Cô rất thất vọng về hai đứa! Cô sẽ thông báo việc này đến cho gia đình.

Nghe đến đấy, hai đứa nài nỉ tôi nhưng tôi vẫn bỏ mặc và đùng đùng đi về trong niềm thất vọng với học sinh. Hôm sau đến lớp, tôi thấy một lá thư được gấp gọn gàng trên mặt bàn, bên trong là những dòng chữ của Thúy: “ Cô ơi! Con cứ thắc mắc sao cô lại đọc thư của con. Ký tên: Diệu Thúy”. Tôi xây xẩm mặt mày, nhìn xuống em đầy tức giận và mắng ầm ầm trước cả lớp: “Con thật hỗn! Vẫn chưa biết lỗi của mình hả?” Chỉ cần có vậy là Thúy rớm nước mắt. Tôi lại tiếp tục nạt nộ: “Còn cảm thấy oan ức lắm hả?” Cả lớp như không hiểu chuyện gì và càng bất ngờ hơn khi thấy tôi mắng Thúy. Nước mắt cô bé càng lăn dài hơn, em khóc trong tấm tức. Tiết học hôm đó trôi qua thật nặng nề. Rồi vài ngày sau, em tỏ vẻ buồn bã, không sôi nổi trong các hoạt động như trước nữa.

Tôi bắt đầu cảm thấy áy náy. Tôi nghiêm túc suy nghĩ lại hành động của mình. “…sao cô lại đọc thư của con?” Dòng chữ nắn nót của Thúy cứ ám ảnh tôi mãi.

Đúng rồi! Tôi đã hiểu vì sao Thúy ấm ức với tôi. Tôi nhớ lại ánh mắt ngạc nhiên của Thúy và Phương Anh khi nhìn thấy tôi lục thư của các con. Vậy mà tôi đã không mảy may nghĩ đến những điều đó. Tôi luôn rao giảng cho các con về quyền riêng tư vậy mà chính tôi lại vi phạm. Thật xấu hổ quá! Tôi chỉ nghĩ đến cảm xúc của bản thân mà không hề đặt hoàn cảnh vào các con. Không biết hai đứa đã thất vọng về tôi như thế nào. Nhưng nếu tôi xin lỗi thì mất mặt quá. Vì tôi luôn độc đoán, luôn cho là mình đúng trước học sinh. Giờ mà đi xin lỗi chúng thì đúng là không còn mặt mũi nào nhìn ai nữa. Tôi đã hơn một lần nghĩ rằng để qua chuyện này nhưng cứ nhìn thấy Thúy lầm lũi trên lớp tôi lại nhói lòng. Lòng tôi tranh đấu giữa việc có xin lỗi Thúy hay không. Nếu tôi không làm thì tình trạng nặng nề giữa cô và trò còn kéo dài đến khi nào nữa?
Cuối cùng tôi quyết định gặp Thúy vào cuối buổi học. Tôi bình tĩnh nói với con:

- Thúy này! Con vẫn buồn vì chuyện bức thư đó hả?

Thúy cúi gằm mặt xuống im lặng. Tôi hơi đỏ mặt vì xấu hổ nhưng vẫn cố gắng an ủi cô bé:
- Thúy à! Cho cô xin lỗi việc đọc thư của con nhé! Cô đã suy nghĩ rất nhiều. Đúng là cô không nên làm như thế. Cô xin lỗi con!

Tiếng “xin lỗi” bật ra hơi gượng gạo nhưng chất chứa tấm chân tình của tôi dành cho em. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nói lời xin lỗi với học sinh – điều mà tôi chưa từng nghĩ đến. Hai cô trò im lặng trong giây lát, tôi đã hỏi Thúy sang việc khác để thay đổi không khí:

- Con có thể nói cho cô biết lý do vì sao con rủ Phương Anh nghỉ để đi chơi không?
Thúy ngập ngừng:

- Dạ thưa cô! Em Nhi là hàng xóm gần nhà con. Em ấy bị liệt hai chân từ nhỏ. Con và bạn Phương Anh thi thoảng sang nhà em Nhi để dạy em ấy học cô ạ. Vì chiều hôm đấy, mẹ Nhi có việc phải đi nên nhờ con sang trông em giúp…Con xin lỗi vì đã định nói dối cô. Cô tha lỗi cho con nhé cô!

Nghe xong, tôi như trút bỏ nỗi niềm gánh nặng bấy lâu nay. Tôi mỉm cười:
- Tấm lòng của các con thật đáng quí. Lần sau, có việc gì chính đáng con hãy nói trực tiếp với cô nhé. Không nên nói dối vì điều đó có thể sẽ làm chúng ta hiểu lầm nhau. Cô sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của cô. Còn bây giờ, con hãy dẫn cô về nhà em Nhi nhé!



Thúy đã cười tít mắt và trở lại vẻ sôi nổi như thường ngày. Hóa ra nói lời xin lỗi đến học sinh đâu có khó và đâu quá ghê gớm như những gì tôi mường tượng. Tất cả những gì tôi tô vẽ lên cho hình tượng của mình trước kia giờ đây nó trở thành sáo rỗng nếu không muốn nói là vô cảm. Thực sự tôi đã sai, sai ngay từ ý định kiểm soát thư của các con. Rồi đến khi tức giận, chưa tìm hiểu lý do đã mắng học sinh, luôn hiếu thắng và đề cao cái tôi với các em. Tôi đã quá ích kỷ. Đã hơn ba năm trôi qua nhưng câu chuyện về cô học trò bé nhỏ cứ vẫn mới mẻ với tôi như ngày nào. Đó không chỉ là kỉ niệm đẹp của đời nhà giáo mà còn là bài học cho chính bản thân tôi. Những việc mình làm sai nên thẳng thắn nhận lỗi với học sinh và tìm hiểu kĩ lý do trước khi đánh giá, nhận xét các con. Quan trọng là tôi sẽ không đọc thư của chúng nữa và nên tôn trọng các con từ những việc nhỏ nhất thì các con mới tôn trọng mình và nghe lời mình.

Tác giả: Nguyễn Tâm (Thành viên NHB-Blue Team)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét