Cách Dạy Con Của Cha Tôi




   Nhà tôi ở cạnh một con sông nhỏ, bên kia đường có con đường quốc lộ. Ngày xưa, để tiện qua sông mua bán một vài thứ mà không phải đi đường vòng ra đầu làng, ông hàng xóm có bắc một cây cầu qua con sông ấy. Mỗi lần thấy bố chỉ mất mỗi chút thời gian đã qua được bên kia đường, tôi ao ước cũng biết đi qua cầu. Tôi luôn đòi bố cõng trên lưng khi qua cầu, thích chí đung đưa đôi chân nhỏ trên vai bố. Có lần tôi mạnh dạn hơn, tự đi, nhưng bám chặt lấy bố, tôi đi một bước bố theo sau một bước. Cứ mỗi lần sợ tôi lại tóm chặt chân bố, bắt bố bế. Có lần, bố tôi bảo tôi tự đi, sợ gì. Bố đi trước, nhìn bố đi mà học. Thấy bố cổ vũ, tôi cũng thích lắm.

 Tôi hỏi: 

- Nhưng nhỡ con ngã thì sao bố?

- Yên tâm, nếu ngã, bố ở đây bố cứu.

   Tôi, dù rất sợ nhưng cũng rón rén bước từng bước qua cầu. Theo lời dạy của bố, tay bám vào que tre dài song song cầu. Người lớn thì chỉ đến ngang bụng, nhưng tôi còn bé, thấp quá nên gần như phải nhón chân mới bám được vào que. Chân bước thật chắc. Cảm thấy 1 chân đã chắc thì chân kia bước lên, tay bám di chuyển dần theo bước đi. Luôn giữ cân bằng, đừng để cơ thể nghiêng về bên nào cả. Tôi sung sướng khi đi được đến giữa cầu. Nhưng hôm đó, trời có gió. Nước dưới sông gợn sóng lăn tăn, những cây bèo theo dòng nước chảy xuôi. Nhìn xuống lòng sông, tôi cảm tưởng như cây cầu cũng đang di chuyển theo dòng nước. Tôi kêu gào: “ Bố ơi, cứu con, cái cầu nó đang đi”. Bố tôi bật cười: “ Đi đâu mà đi, đừng nhìn xuống dòng nước nữa”, nhưng tôi chỉ thấy hoảng, rồi... Tùm. Tôi rơi xuống sông, uống no nước. Bố tôi nhảy xuống cứu, cười hà hà. Mẹ hỏi tôi có sợ không. Tôi gật đầu, nhưng vẫn chưa hết háo hức.

   Bố bảo tôi có một cách: tôi học bơi. Bởi nếu có ngã xuống cầu, tôi vẫn bơi được vào bờ , không cần bố cứu. Bố bảo tôi cứ xuống nước, tay quờ nước, chân đạp đẩy người về phía trước. Nhưng học mãi mà tôi không làm được. Khi thì bố cho tôi cây chuối, khi thì cái thau nhựa to, nhưng suốt một thời gian dài tôi cũng không bơi được. Mẹ tôi bảo, con gái cũng chả cần học bơi đâu. Nhưng tôi xị mặt, tôi thích học bơi cơ. Mẹ bảo đi bắt con chuồn chuồn mà cho cắn rốn, thế là biết bơi. Tôi đi bắt đủ các loại chuồn chuồn, nhắm mắt nhắm mũi cho vào rốn để tụi nó cắn. Có con nó không cắn mà cứ chạm nhẹ nhẹ, khiến tôi buồn cười, có con to nó ngứa răng cắn tôi đau chảy cả nước mắt. Thế rồi, chẳng biết có phải do chuồn chuồn cắn rốn không mà tôi biết bơi. Tôi cũng đã đi được qua cầu, mà chưa tùm xuống sông lần nào để mà tự bơi vào bờ. Bố đã dạy cho tôi sự can đảm và biện pháp dự phòng cho những khó khăn như thế.

   Tôi còn nhớ, khi ngày xưa còn chưa thông dụng xe máy, bố tôi có mua chiếc xe babetta để đi bán hàng, nhưng bố hay gọi là be – bét – nhè . Bố hết sơn màu xanh rồi màu đỏ. Tôi vẫn nhớ nó gần giống giống cái xe đạp điện bây giờ, lúc nó chết máy hay không nổ thì bố tôi tháo cái bugi ra lau hoặc thay cái dây cua-roa mới. Tôi hỏi bố có khó đi không, bố bảo dễ đi hơn xe đạp. Bố hỏi tôi có muốn đi thử không. Tôi bảo con sợ lắm, không đi đâu. Nhưng thực chất là tôi không thử vì tôi thấy nó xấu hoắc và mỗi lần nổ máy là nó kêu nhè nhè tới inh tai. Rồi bố tôi đổi xe, đến con Sim son xanh đỏ nhìn như con cào cào, tôi cũng ghét. Kể mà tôi là con trai chắc tôi cũng thử, nhưng ý thức được là mình là con gái nên tôi chả thèm bén bảng tới mấy cái xe đó. Khi nhà tôi khá hơn, bố tôi mua chiếc Cup 80 cũ. Dĩ nhiên, nó nữ tính và đẹp hơn hẳn mấy cái xe trước nên được tôi mân mê mỗi lần bố chạy xe về. Một hôm, bố bảo cho tôi đi thử. Tôi, sợ nhưng vẫn thích mê ly, hỏi bố đi thế nào. Mẹ tôi thấy thế bảo: “ Nó chưa biết đi, thử rồi ngã”. Bố tôi tặc lưỡi : “Thôi kệ nó, có ngã mới biết đi. Cứ vặn tay ga về phía mình, muốn dừng lại thì nhấn chân phanh và bóp phanh tay. Đây con thử đoạn ngắn thôi, đến cuối sân dừng lại”.Tôi hỉ hửng, nhận lấy xe đã nổ máy từ bố, vặn ga về phía mình, nhưng vặn mạnh quá, xe nó ào đi, làm chính tôi hoảng, tôi chả nhớ lời bố bảo nhấn chân phanh, tôi càng kéo ga về phía mình. Trong tích tắc, xe ào lên, tí đâm vào em tôi đang mon men ở góc sân, rồi đâm vào cạnh xe bò, sau đó húc vào bụi chuối, cuối cùng dừng lại vì bị thân cây chuối chắn, nhưng máy vẫn nổ, bánh xe đùn đất ở bụi chuối tứ tung. Hậu quả là tôi chỉ bị xây xát nhẹ, nhưng chiếc xe thì bị méo và gãy nguyên cái đèn phía bánh sau và cái chân phanh, xước hết sơn. Mẹ tôi xót của, hết mắng bố lại mắng tôi. Nào là:”Nó đã biết đi đâu mà cho nó đi, nào là đã không biết đi cũng đòi học đi xe, có ngày gãy răng”.... Bố nhìn hậu quả tôi gây ra, cười bảo không mất răng cửa là may rồi, thế mới nhớ lần sau nhấn phanh. Tôi thở phào hú hồn vì may mắn không có cái sẹo nào trên khuôn mặt đã không được xinh xắn của mình. Sau này, tôi biết đi xe nhờ trận ngã xe nhớ đời hôm ấy. Cứ nhớ đi nhớ lại việc ga đều, giận chân phanh bố dạy, bởi nếu tôi không nhớ thì khéo không chỉ cái xe hỏng mà người tôi cũng hỏng theo. Bố đã cho tôi cơ hội để mạo hiểm và chấp nhận mạo hiểm để học được nhiều thứ thú vị như thế.

   Khi em gái tôi còn nhỏ, trong bữa cơm, nó nhìn thấy miếng ớt đỏ trong bát nước chấm cả nhà ăn mà cứ đòi. Mẹ tôi cảnh báo rằng nó cay và không ăn được. Tuy nhiên, nó vẫn chưa an phận vì thấy bố tôi còn nhấm nhấm miếng ớt. Mắt nó vẫn liếc liếc nhìn quả ớt đỏ chót và miệng thì mếu xệch. Bố tôi thấy thế đưa quả ớt cho nó, bảo nó ăn đi. Mẹ tôi gàn, định lấy lại từ tay nó bảo nó cay không ăn được, nhưng nhất quyết nó không chịu buông. Bố tôi bảo kệ nó. Nó thích chí rung chân cắn, nhấm quả ớt đỏ chót. Hai giây sau, nàng ta vứt quả ớt ra xa, miệng phun nước bọt phù phù, khóc ré lên. Tôi và bố cười lăn lộn. Mẹ tôi bế dỗ em, lại mắng bố tôi: “Cái anh già này, đã không cho nó bởi nó cay rồi”. Em tôi, với cái môi sưng đỏ ngày hôm ấy, chừa hẳn việc đòi thử ớt. Thậm chí cứ nhìn thấy quả ớt là nó lại lắc đầu quầy quậy, liếm liếm môi: “Cay, cay...” . Bố tôi bảo: “ Thử một lần là chừa hẳn mà”. Nghĩ thật đúng, nếu bố tôi không cho nó nếm một lần, thì bữa nào nó cũng háo hức nhìn miếng ớt đỏ, đòi nếm, sau đó mẹ tôi bữa nào cũng phải giải thích rằng cay không ăn được. Vậy đấy, bố dạy cho chúng tôi cách trải nghiệm. Chỉ có tự trải nghiệm mới biết được ngọt, bùi, đắng, cay,...muôn hình vạn trạng trong cuộc sống này.

   Mẹ thường bao bọc quá mức với con, thường sợ con đau, sợ con không làm được. Nhưng bố thì khác, bố cho con cơ hội để mạo hiểm, bố cho con sức mạnh để đối mặt với những khó khăn.




Tác Giả: Xu Xu (Thành viên của NHB Blue Team

Đăng nhận xét

0 Nhận xét