Trống Rỗng Hay Tràn Đầy



Có khi nào bạn vừa mới chơi game nhưng ngay sau đó lại cảm thấy tự trách bản thân đã lãng phí thời gian? Có khi nào bạn vừa mua cả đống đồ online nhưng sau khi nhận thì lại thấy tiếc nuối vì đã lãng phí mua những thứ chẳng cần thiết? Bạn đã từng nghiện mạng xã hội, nằm dài hàng tiếng đồng hồ lướt lên lướt xuống những video ngắn trong vô thức, hay xem hết cả chục video review phim? Liệu rằng bạn có nhớ mình đã xem gì, chơi gì, mua gì trước đó hay tất cả còn lại chỉ là sự trống rỗng vô định?


Nhưng cũng đã có khi nào ta cố gắng nỗ lực hoàn thành công việc dù khó khăn, căng thẳng trong suốt quá trình nhưng kết quả sau khi hoàn thành lại là sự vui vẻ, thoải mái. Khi ta cố gắng vượt qua cái lười của cơ thể cố gắng xỏ giày vào để chạy bộ hay đi đến phòng tập, quá trình tập luyện có thể đau đớn nhưng sau buổi tập là sự tràn đầy cảm giác phấn khích cho dù cơ thể vẫn còn dư âm của sự đau đớn.


Tại sao chúng lại khác nhau như vậy?


Bài viết này là một chút chia sẻ để chúng ta hướng tới những niềm vui vững bền, gạt đi những sự thỏa mãn nhất thời của chủ nghĩa tiêu thụ.


Nếu các bạn có dùng tik tok thì chắc hẳn cũng biết đến cảm giác khi nằm dài cả ngày chỉ lướt xuống những video ngắn. Đôi khi ta nhận ra sự lãng phí đó và thay vì xem những video vô bổ ta chuyển sang xem những video kiến thức và cảm thấy mình cũng đã học hỏi được rất nhiều. Tuy nhiên, thử nhớ xem bạn có nhớ được những kiến thức bạn đã xem từ tuần trước, hôm qua hay thậm chí chỉ một vài giờ trước không? Bạn có thực sự hiểu cặn kẽ những kiến thức đó không? Tồi tệ hơn, liệu những kiến thức ngắn ngủi trong vài chục giây bạn học được đó là kiến thức sai và bạn đã tin tưởng và áp dụng mà không hề nghi ngờ, mà cũng làm gì có thời gian mà nghi ngờ bởi vì bạn đã lướt ngay đến một video với kiến thức khác và quên luôn video vừa rồi.


Vậy những video ngắn đó có lợi hay có hại? Mình nghĩ là cả hai. Nó thực sự có hại khi bạn tiêu thụ chúng như trên và cơ thể đã cảnh báo tới bạn bằng sự trống rỗng trong tâm trí và sự mệt mỏi ngoài cơ thể. Muốn nó từ thứ có hại trở thành thứ có lợi thì đơn giản chỉ là việc làm ngược lại. Thay vì tiêu thụ những kiến thức đó một cách thụ động ta hãy làm việc đó một cách chủ động. Đó chính là việc bạn sáng tạo ra những video như vậy. Mình đã làm như vậy đó, sau cả ngày dài từ tìm hiểu kiến thức, viết nội dung, thu âm, tạo video thành quả nhận lại của mình làm mình rất phấn khích. Một video đã ra đời và đương nhiên là chả có mấy người xem. Nhưng sau đó vài ngày, có người đã hỏi mình về những kiến thức đó, và thật bất ngờ, mình có thể trình bày chúng một cách cặn kẽ, dễ hiểu.


Để có thể gạt ra được sự thỏa mãn nhất thời của chủ nghĩa tiêu thụ và hướng tới những niềm vui vững bền hãy làm một cách chủ động, để bản thân ngập tràn trong đó.


Lần tới, thay vì xem những video tóm tắt phim, hãy thử xem bộ phim đó một cách tập trung, bạn sẽ nhận ra nhiều điều hơn đó bởi những tác giả không bao giờ phơi bày tất cả ra mà luôn ẩn giấu thông điệp trong từng thước phim. Thay vì nghe sách hay đọc sách lướt, hãy chăm chú đọc tỉ mỉ, tuy số lượng đạt được sẽ ít hơn nhưng chất lượng kiến thức sẽ nhiều hơn và bạn cũng sẽ không quên chúng ngay đâu.


Tác giả: Nguyễn Long (NHB Blue Team)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét