Với Nghịch Cảnh, Đối Mặt, Rồi Sẽ Vượt Qua...!!



   Tôi còn nhớ, vào ngày tang lễ của bố, khi đó tôi 21 tuổi, trong khi thân quyến đang bối rối, có rất nhiều người quen, người thân đến chia buồn và an ủi tôi rằng: “Mạnh mẽ lên con nhé! Con là điểm tựa của mẹ con”. Và sau này, chính câu nói đó đã hình thành nên trong tôi một áp lực nặng nề. Sự ra đi của bố khiến tôi bàng hoàng như mất đi một phần sức mạnh của mình. Nhưng nghĩ đến mẹ, tôi tự nhủ mình phải nhanh chóng vượt qua thời điểm đó để lo cho mẹ một cuộc sống tốt hơn. Vậy mà trong 1 năm ấy, tôi bị những khó khăn liên miên hành hạ ra bê bết, chẳng làm nên cơm cháo gì.

Nghịch cảnh luôn có mặt trong mọi cuộc hành trình, nhưng không phải để làm bạn với ta. (tiêu đề nhỏ)

   Bạn biết đó, có thể trên đời này có vài người gặp may mắn nhiều hơn người khác, nhưng khó khăn thì luôn là điều ai cũng phải đón nhận. Ai bảo rằng một người giàu có và đủ tiền để sống phóng túng thì không bao giờ gặp phải những thứ gọi là khó khăn. Nếu nhìn ở một góc độ nào đó, thì việc quá giàu có cũng chính là nghịch cảnh của họ. Nhiều tiền để mà làm gì? Khi bản thân thiếu thốn tình cảm chân thành từ gia đình, khi những điều giản dị nhất là bữa cơm thân mật cùng cả nhà cũng trở nên khó khăn, khi bản ngã của chính mình cũng còn không biết và không bảo vệ được... Có ai là người dám đứng ra thừa nhận là cả cuộc đời của mình chỉ gặp toàn những chuyện may mắn và suôn sẻ. Thậm chí, người ta còn có xu hướng nhớ lâu về những điều khiến mình tổn thương nhiều hơn là những chuyện vui. Nhà văn Nam Cao đã từng viết trong tác phẩm của mình rằng: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa”. Đó cũng là lý do mà khi nỗi đau mất bố lấp đầy con tim tôi, thì tâm trí tôi cũng không buồn tin vào những lời người khác an ủi nữa. Lúc đó, tôi thầm nghĩ: “Mấy người đã bao giờ trải qua những nỗi đau giống như tôi chưa mà tỏ ra hiểu biết như vậy?”.

Càng buồn, sẽ lại buồn không dứt. (tiêu đề nhỏ)

   Sự thật thì không chỉ tôi, mà có lẽ ngay cả bạn cũng vậy. Khi gặp một điều gì đó khiến ta tổn thương, tâm trí ta sẽ rất khó để phấn chấn hơn được. Theo khoa học, “kể cả khi buồn bã không phải trầm cảm, nó vẫn ức chế cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định" (Tiến sĩ John E. Mayer (Mỹ), nhà tâm lý học lâm sàng kiêm tác giả cuốn Family Fit). Nỗi buồn càng kéo dài, các hormone gây stress như cortisol càng tăng. Kết quả là đường huyết, huyết áp, chất lượng giấc ngủ bị xáo trộn. Bạn cũng dễ đau đầu, đau cơ khớp. Tức là khi bạn càng buồn, cơ thể bạn lại càng yếu, và nó sẽ tiếp tục khiến bạn mệt mỏi, cảm thấy tiêu cực nhiều hơn.

   Những lúc như vậy, có phải bạn chỉ muốn đóng sầm cánh cửa phòng mình lại, một mình chui rúc trong xó xỉnh nào đó để gặm nhấm nỗi sầu riêng. Hay bạn phản ứng thái quá hơn, mở tung cánh cửa ấy ra rồi quẩy đủ trò cho hết đêm ở bar để kiếm tìm một nụ cười gượng gạo trên mặt. Miệng thì vẫn nhoẻn cười đó, nhưng trong tâm thì rỉ từng giọt máu, buồn đến mức cần được khóc nấc lên nhưng lại chẳng thể nào thốt ra nổi một từ.

   Ai cũng bảo “hãy mạnh mẽ lên, hãy vượt qua, hãy cố gắng suy nghĩ tích cực”. Nhưng những điều như vậy hoặc nó xáo rỗng, hoặc làm cho bạn áp lực hơn gấp nhiều lần. Bạn biết bản thân đang cảm thấy điều gì. Bạn biết rõ mình đang ra sao. Bạn biết mình bị mắc kẹt. Nhưng giống như chạy xe ra đường vào lúc 6 giờ tối, kẹt xe cứng ngắc mà không thể bon chen để thoát ra. Cho đến khi bạn phát điên lên, rồi liều lĩnh tìm một cách nào đó tự giải thoát chính mình. Có phải bạn ước giá như mình biết bay? Hay là vứt quách cái xe ở đấy, đi bộ về? Kết thúc việc “mắc kẹt” trong mớ hỗn độn này đi. Thậm chí kết thúc cuộc sống tồi tệ này ngay!?
Nhưng mà có thật là bạn nên làm như vậy?

Càng muốn vượt qua, lại càng bị mắc kẹt. (tiêu đề nhỏ)

   Ngay kể cả trong phim, chết cũng chưa phải là hết. Đạo diễn vẫn có thể cho diễn viên sống lại được, dù hơi phi logic, nhưng trong phim là hoàn toàn có thể. Vậy đã bao giờ bạn nghĩ đến việc, cuộc đời lắm khi giống hệt một bộ phim? Khi bạn vượt qua khó khăn này rồi, cuộc đời vẫn có thể tiếp tục ném vào mặt bạn một vật cản khác. Không chỉ một, mà sau đó, còn rất nhiều. Dĩ nhiên, có một vài trường hợp đặc biệt, người ta mạnh mẽ đến mức độ chỉ một thời gian ngắn sau là đã có thể vượt qua. Nhưng có rất nhiều người, loay hoay mãi, vẫn quanh quẩn trong cái bẫy của những "vật cản". Nếu bạn nghĩ kết thúc là có thể chấm dứt hết mọi thứ, thì nhầm rồi. Chết cũng không phải là một điều dễ dàng. Tôi từng quen một người phụ nữ tên là cô Thọ, 53 tuổi, cùng quê với tôi, bị bại liệt toàn thân và không có chồng hay con cái gì cả. Mỗi lần tôi đến thăm cô đều bảo muốn chết quách đi cho xong, và dặn lần sau nhớ mang thuốc chuột đến cho cô. Thế nhưng đã hơn 20 năm rồi, chưa bao giờ cô chết được như ý. Uống thuốc chuột không thành, người ta đưa cô đi cấp cứu, bác sĩ rửa ruột thành công. Cắn lưỡi tự tử thì lưỡi không thèm đứt, mà rồi, cái răng lung lay lại rụng trước. Cuộc sống đã đày đọa cô 53 năm cho đến tận bây giờ. Bạn có nghĩ cô tiếp tục nổi nữa không?

   Cho đến bây giờ, cô Thọ vẫn sống, thỉnh thoảng còn có niềm vui. Nó như thể một phép màu. Nhưng điều kì diệu là đến giờ cô vẫn đòi được chết. Vượt qua nghịch cảnh là một điều rất khó. Nhưng cuộc sống đôi khi chẳng yêu cầu bạn phải vượt qua, cũng có thể bạn chẳng bao giờ vượt qua được. Vượt qua có nghĩa là đã hoàn thành xong một hành trình nào đó. Nhưng với nghịch cảnh, dù bạn có vượt qua thì nỗi đau trong tim vẫn sẽ đọng lại thành ký ức không vui để rồi đằng đẵng theo bạn cả cuộc đời sau này. Nó ăn mòn tâm tưởng bạn. Nó quặn thắt lòng bạn khi gặp gỡ điều gì đó thân quen. Nó vẫn dày vò bạn trong một xó xỉnh nào đó sâu thẳm tâm hồn... Vậy thì sao có thể gọi là vượt qua được?

Với nghịch cảnh, hãy mạnh dạn! (tiêu đề nhỏ)

   Thay vì nghĩ mình phải vượt qua, hay thỏa hiệp, chịu đựng nó, bạn hãy nghĩ rằng mọi điều xảy đến với mình giống như một thử thách mà mình phải đối mặt. Không trốn tránh được, không phù phép cho nó biến mất hoàn toàn được, không thể chuyển nhượng điều đó sang cuộc đời của một người khác được. Đó là cuộc đời của chính mình. Nó thuộc về “vật cản” trong bộ phim mà bạn là nhân vật chính. Nó là điều tất yếu sẽ xảy đến trong cuộc sống của bạn. Dù không phải là điều ấy, thì cũng sẽ có một điều “anh em họ hàng” gì đó của nó xảy đến với bạn thôi. Hãy can đảm lên, để đối mặt với chúng!

   Khi đã có thể “giáp lá cà” với nghịch cảnh rồi, bạn sẽ có đủ bình tĩnh để nhìn nhận xem mình có thể làm gì để một đao xử gọn những vật cản này, tìm một lối thoát cho chính mình. Rồi bạn sẽ thấy, chấp nhận nghịch cảnh và đối phó được với chúng sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, làm chủ cuộc sống tốt hơn, và trở thành một người có nét quyến rũ rất riêng.

   Có một câu nói mà tôi rất thích chia sẻ với bạn bè trên mạng xã hội: “Can đảm không có nghĩa là không sợ hãi. Mà là dù sợ hãi, vẫn tiếp tục làm” – Một câu thoại của bác sĩ Kang trong phim Doctor. Với nghịch cảnh, chắc chắn nó sẽ khiến bạn sợ hãi và đau lòng. Nhưng chúc bạn luôn đầy tràn sự can đảm trong tim, để bảo vệ được cuộc sống lạc quan, hân hoan của mình! Can đảm, để đối mặt. Gạt nỗi sợ hãi sang một bên và tiếp tục chiến đấu nhé!

_Dei Z _

Tác giả: Lê Thủy Tiên (Thành viên NHB Blue Team)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét